Người thầy của 22 năm về trước
Có lẽ suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên được hình ảnh một người thầy của hơn 20 năm về trước: nghiêm khắc, tận tụy và yêu nghề. Ở lứa tuổi lên mười, chúng tôi không chỉ được học thầy rất nhiều kiến thức (cả trong sách vở lẫn giữa đời thường) mà còn được rèn luyện nhiều kĩ năng sống: cách cư xử với mọi người; cách phản ứng trước những tình huống bất ngờ; cách lập kế hoạch học tập, sinh hoạt và vui chơi; cảm nhận riêng của bản thân về thế giới xung quanh; tìm hiểu những mẩu chuyện đông tây kim cổ và cả những kiến thức khoa học thường thức… Mỗi lần nghĩ về tập thể lớp 5/1 ngày ấy, tôi lại thấy mình may mắn vì đã có một năm học đầy kỷ niệm, một tuổi thơ sôi động và vui tươi.Chúng ta tạo dựng cuộc sốngThầy vẫn hay nói như vậy, nhấn mạnh tinh thần chủ động và tư duy độc lập. Cũng vì lẽ đó mà thầy rất tích cực tổ chức các chuyến đi chơi để chúng tôi khám phá thế giới xung quanh. Chuyến đi đầu tiên năm tôi học lớp 5 là tham quan đồi thông Thiên An. Đồi thông cách trường học của tôi 6 cây số, và cả lớp… đi bộ đến đó. Đi khoảng một tiếng thì đến nơi, không hề thấy mệt tí nào mà lại rất vui. Vui vì cả lớp vừa đi vừa kể chuyện, vui vì trên đường đi thầy bảo dừng lại một số điểm nghe thầy giải thích: ví dụ đến đàn Nam Giao, thầy sẽ kể lai lịch của nó và cho biết vua quan triều Nguyễn dùng đã đàn Nam Giao để làm gì, hay thầy chỉ cây lá ven đường và nói quả này là quả mâm xôi, cây kia là cây dương xỉ… Đến nơi, cả lớp nghỉ chân bên hồ Thủy Tiên lấp lánh ánh nắng, thầy bảo mỗi người viết lại cảm nghĩ của mình. Sau đó là những trò chơi tập thể hết sức vui nhộn.Cả lớp tôi rất thích học thầy. Hôm nào thầy không dạy được, người khác dạy thay là buổi học đó buồn hẳn đi. Sau mỗi buổi học thầy hay kể chuyện Bao Công, chuyện Địch Thanh… và rút ra những bài học nho nhỏ trong cuộc sống.Trong suốt năm học ấy cả lớp tôi còn được đi chơi rất nhiều điểm nữa: lăng tẩm, chùa chiền, các chuyến dã ngoại… Nhớ nhất là chuyến đi Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn 2 ngày vào cuối năm học khi đã thi học kỳ xong. 11 tuổi, không phải phụ huynh nào cũng “thả” con đi chơi hơn trăm cây số đến vùng xa xôi hẻo lánh, vậy mà năm ấy lớp chúng tôi đi rất đông, nhiều bạn khác trong trường cũng xin theo. Chuyến đi được thầy thông báo từ đầu năm học. Thầy bảo những ai muốn đi thì tập hợp thành các nhóm, mỗi nhóm 3 người để… nuôi gà. Thật kỳ lạ phải không? Nhưng thầy bảo, những con gà ấy sẽ do chính chúng tôi chăm sóc và dùng làm thực phẩm cho chuyến đi. Ba người trong nhóm sẽ phân công như thế này: một người cung cấp một con gà con, một người góp gạo và một người nuôi. Còn nhớ nhóm của tôi năm đó gồm tôi, Thúy Lam và Hương Giang. Mẹ Thúy Lam cho một chú gà con xinh xắn, tôi góp gạo và để gà nuôi ở nhà Hương Giang. Cuối năm học, tất cả những con gà của các nhóm đã lớn, thầy gửi cho một nhóm làm bếp chế biến sẵn để cả lớp mang theo. Chuyến đi năm ấy thật vui. Tôi hiểu thế nào là gió Lào cháy bỏng của vùng đất Quảng Trị, tôi được lội suối, trèo rừng, tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số, xem những em bé ngủ say trên lưng mẹ khi lên nương, tận mắt nhìn thấy đường Trường Sơn lịch sử... Đêm hội trại mọi người đốt lửa, có một chị học sinh cũ của thầy đi theo đoàn biểu diễn đàn tranh, mọi người ca hát, vui chơi và kể chuyện, sau đó chén thịt gà, cảm giác ngon kinh khủng. Nhưng hình ảnh lắng đọng lại nhiều nhất trong trái tim non nớt của tôi lúc ấy có lẽ là những giọt nước mắt của cô hiệu phó và con gái rớt xuống từng tấm bia khi không tìm được mộ người chồng, người cha đã ngã xuống ở chiến trường Bình Trị Thiên năm xưa.Bài học về sự tự tinCó một câu chuyện rất nhỏ, lẫn lộn trong rất nhiều chuyện đời thường mà sao tôi nhớ vô cùng. Có một lần, thầy ra một bài toán với hai đáp án và bảo học sinh chọn đáp án đúng.Thầy gọi M.H. – một bạn học lực không được khá lắm – và bảo đưa câu trả lời. Khi M.H. trả lời đúng, thầy nghiêm giọng (gần như quát): “Chắc không?”Cô bạn lúng túng, ngay lập tức sửa lại câu trả lời. Thực ra bài toán không khó, rất nhiều người trả lời được nhưng sau câu nói của thầy thì đâm ra hoang mang. Lúc bấy giờ thầy mới từ tốn nói: “Câu trả lời đầu tiên chính là câu trả lời đúng. Tại sao lại bị lung lạc vì ý kiến chủ quan của người khác? Nếu chúng ta tin chắc rằng mình đúng thì hãy khẳng định chính kiến của mình. Không kiêu căng, không tùy tiện, nhưng phải biết tự tin vào bản thân.”Có lẽ trên đường đời cũng có lúc thấy lòng dao động, nhưng lời dặn của thầy năm xưa khiến tôi luôn ghi nhớ trong lòng: “Phải tự tin vào bản thân”.22 năm đã trôi qua với nhiều năm xa nhà, tôi vẫn không quên người thầy già tóc bạc có tấm lòng bao la. Ngày xưa, vào dịp 20/11 và lễ tết, tôi vẫn thấy những người học trò đã lập gia đình, có con lớn gần bằng chúng tôi vẫn đến thăm thầy giáo cũ, chỉ là để hỏi thăm sức khỏe, uống chén trà nóng và ôn kỷ niệm xưa. Tôi hiểu tấm lòng người thầy đã mãi mãi khắc sâu trong tâm trí họ: giản dị mà đầy yêu thương. Bây giờ thầy tôi đã ngoài 70 tuổi rồi. Bạn bè tôi ở Huế thỉnh thoảng vẫn đến thăm thầy, những đứa ở xa như tôi chỉ biết gửi gắm những lời tri ân và tự nhủ lòng: “thầy ơi, chúng con đã thực sự lớn lên từ thuở ấy”.
Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)